20/05/2020
Mẹ Nuôi Bé
Mách nhỏ mẹ bị viêm tiết niệu khi mang thai cần phòng tránh điều gì
Khi mang thai bà bầu phải đối mặt với rất nhiều vấn đề sức khỏe vì một loạt thay đổi trong cơ thể kéo dài từ những tuần đầu mang thai cho tới các tháng cuối của thai kỳ. Trong đó nhiễm khuẩn đường tiết niệu là một bệnh lý rất hay gặp ở phụ nữ khi mang thai. Vậy tình trạng bị viêm tiết niệu khi mang thai do đâu mà ra, có cách nào phòng tránh bệnh này không? Trong bài viết dưới đây, các mẹ hãy cùng 2Mom tìm hiểu nhé.
Nguyên nhân gây viêm nhiễm đường tiết niệu ở bà bầu
Tác nhân chính gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở bà bầu là vi khuẩn E.coli. Đây là loại vi khuẩn rất hay gặp và gây bệnh ở vùng tiết niệu sinh dục của phụ nữ. Thực tế có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này, dưới đây là một số nguyên nhân mà các mẹ bầu hay gặp:
- Do sức đề kháng của bà bầu suy giảm: Khi mang thai, lượng hormone cũng như những chức năng trong cơ thể bà bầu có sự thay đổi rất nhiều, làm cho sức đề kháng của bà bầu giảm. Mẹ bầu sẽ trở nên mẫn cảm hơn với nhiều tác nhân gây bệnh và dễ bị bệnh hơn, đặc biệt là các bệnh nhiễm khuẩn.
Có nhiều nguyên nhân gây viêm tiết niệu ở mẹ bầu
- Khi mang thai tử cung của bà bầu lớn dần sẽ chèn ép vào đài bể thận gây ứ đọng nước tiểu, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm tại vùng đó. Đây là nguyên nhân mà hầu hết bà bầu đều bị viêm nhiễm đường tiết niệu gặp phải.
- Do việc vệ sinh vùng tiết niệu sinh dục cũng như vùng quanh hậu môn của bà bầu chưa tốt. Niệu đạo nằm ở vị trí rất gần với đường âm đạo và hậu môn. Hai đường này có nguy cơ chứa rất nhiều loại vi khuẩn gây viêm nhiễm. Nếu việc vệ sinh không tốt hoặc không đúng cách vi khuẩn rất dễ lây lan qua vùng niệu đạo để xâm nhập vào bàng quang, niệu quản, đài bể thận để gây bệnh.
- Ngoài ra, bà bầu bị viêm tiết niệu khi mang thai còn do những thói quen không tốt như nhịn tiểu, uống ít nước…
- Nguyên nhân tiếp theo có thể do mẹ bầu trước khi mang thai đã mắc các bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu như viêm đài bể thận, viêm bàng quang, viêm niệu quản, niệu đạo... mà chưa được điều trị khỏi. Lúc đó tình trạng nhiễm khuẩn khi mang thai sẽ càng nặng và khó chữa hơn.
Các biểu hiện và ảnh hưởng của nhiễm khuẩn đường tiết niệu khi mang thai
Khi bị nhiễm khuẩn, bà bầu thường có các dấu hiệu như đau bụng âm ỉ vùng chậu, vùng bụng dưới, mỏi lưng và cảm giác tức nóng vùng hạ bộ sinh dục. Thêm vào đó mẹ bầu còn có cảm giác ngứa ngáy khó chịu vùng niệu đạo sinh dục. Đôi khi sốt nhẹ và kèm theo các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa…
Biểu hiện buồn nôn, chóng mặt
Mẹ bầu đi tiểu nhiều lần, mỗi lần đi tiểu đều không thể đi hết nước tiểu, tiểu buốt, tiểu rắt, thậm chí có thể tiểu ra máu, tiểu ra mủ. Khi đi tiểu bà bầu có cảm giác rất buốt, rát nên họ thường rất sợ đi tiểu, hay nhịn tiểu vì thế nên bệnh lại càng nặng hơn.
Nhiễm khuẩn tiết niệu nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho mẹ bầu. Viêm đường tiết niệu thể nặng nhất là viêm thận, bể thận cấp. Tình trạng này gây sốt cao, tim đập nhanh, mệt mỏi, nôn ói… Mẹ bầu có thể bị suy nhược dẫn tới suy hô hấp, suy tuần hoàn, thậm chí gây sinh non, thai chết trong tử cung nên vô cùng nguy hiểm.
Một số cách phòng tránh viêm tiết niệu cho bà bầu
Có nhiều cách để phòng bệnh viêm tiết niệu khi mang thai. Mặc dù vậy, tùy vào từng trường hợp cũng như những nguyên nhân gây bệnh sẽ có các cách phòng bệnh khác nhau. Sau đây là một số phương pháp chung cho tất cả các trường hợp.
- Mẹ bầu cần vệ sinh sạch sẽ vùng tiết niệu sinh dục thường xuyên. Khi vệ sinh bằng nước nên rửa theo chiều từ niệu đạo tới âm đạo rồi mới tới hậu môn để tránh tình trạng vi khuẩn đi ngược chiều từ âm đạo và hậu môn lên niệu đạo gây bệnh. Bên cạnh đó, mẹ nhớ giữ cho vùng kín luôn khô thoáng để vi khuẩn có cơ hội phát triển.
Mẹ nên lưu ý uống thêm nước
- Các mẹ không nên nhịn đi tiểu, hãy đi ngay khi có cảm giác buồn. Kèm theo đó mẹ bầu có thể uống nhiều nước mỗi ngày để việc lọc của thận tốt hơn, đẩy ổ viêm nhiễm ra ngoài.
Bài viết trên đây vừa giới thiệu với các bà bầu một số thông tin về việc bị viêm tiết niệu khi mang thai. Hy vọng 2Mom có thể cung cấp một số kiến thức bổ ích giúp mỗi mẹ bầu đều có một thai kỳ nói không với viêm nhiễm.
>>> Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng khoa học cho mẹ bầu
Bài viết liên quan
Khi mang thai bà bầu phải đối mặt với rất nhiều vấn đề sức khỏe vì một loạt thay đổi trong cơ thể kéo dài từ những tuần đầu mang thai cho tới các tháng cuối của thai kỳ